Day 2: Tiếng nói bên trong mình

Tôi tiếp tục rèn luyện thói quen viết lách ngày thứ hai với chủ đề “Tiếng nói bên trong bạn đang nói với bạn những điều gì? Những tiếng nói này xuất hiện từ đâu và chúng có khiến bạn nhớ tới ai không?”

Nhắc đến tiếng nói nội tâm tôi chợt nhớ ngày còn nhỏ mỗi lần đi đại tiện thì tôi lại tưởng tưởng mình là một người tí hon có thể lẻn vào nhà của những người hàng xóm để nghe lén những câu chuyện của họ mà họ sẽ không phát hiện ra. Tôi hay tự nói chuyện với chính mình về việc học ở trường đã diễn ra như thế nào, ánh Mặt Trời xuyên qua kẽ lá hắt qua cánh cửa chiếu vào mặt một cô bé hay ngồi đầu bàn như tôi khiến tôi có cảm giác thích thú với những giờ đi học, vì vừa được ngắm thiên nhiên lại vừa được nghe cô giáo giảng bài, đó là một ký ức đẹp đẽ của những ngày tôi học lớp năm. Tôi còn hay tự nói với chính mình về những cảm xúc mà tôi có được trong những tác phẩm Văn học sau những tiết Ngữ Văn suốt những năm tháng học cấp hai đến hết lớp mười hai và vô cùng thích thú với những cuộc đối thoại nội tâm như thế, tại vì mình được làm bạn với chính mình.

Sau này khi lớn lên tôi vẫn thường tự nghe thấy những tiếng nói của chính mình như trước, nhưng có vẻ như những ngôn từ tích cực và những cảm xúc trong trẻo trong một trái tim đầy lòng trắc ẩn của một đứa trẻ đã bị thay thế bới những ý nghĩ chẳng mấy tích cực cho lắm với cương vị là một người lớn “Làm người lớn mệt nhỉ, chẳng còn được vui vẻ như trước nữa. Việc kiếm tiền sao mà áp lực quá, mình muốn nghỉ việc. Hôn nhân chắc cũng chẳng có gì hay ho cả nếu không muốn nói là đầy rẫy những sự khổ đau hay tổn thương về tâm lý.” Tôi có nhiều tiếng nói trong đầu lắm, dường như chúng cứ thường trực bủa vây lấy tôi bất cứ khi nào tôi để tâm trí mình lơ đãng. Tôi cảm thấy bản thân đang bị phá hủy bởi chính những suy nghĩ của bản thân mình.

Sau này tôi tìm hiểu thêm về Phật giáo để học cách kiểm soát những suy nghĩ linh tinh không có mục đích mà thầy tôi gọi chúng là “vọng niệm”. Mỗi khi tôi thấy chúng nhảy nhót trong đầu tôi lại tự hỏi bản thân “suy nghĩ này là tiêu sản hay tài sản” để nhận diện xem chúng có mang lại lợi ích gì cho tôi không, và thế là những suy nghĩ không mang lại lợi ích gì cho tôi sẽ được tôi kiểm soát một cách chủ động. Cũng có những ngày thì tôi chẳng kiểm soát được chúng, ví dụ như khi tôi quay lại thói quen viết, tôi cũng không muốn chia sẻ quá nhiều về bản thân lắm thông qua những bài biết, một phần vì bên trong tôi còn nhiều điều thầm kín và bí mật chỉ muốn giữ cho riêng mình, một phần vì trước giờ tôi thường có xu hướng “thích một góc nào đó cho riêng mình thôi” hay đại loại có những suy nghĩ như là “nếu tôi có chia sẻ thì những người xung quanh cũng chẳng thể hiểu được tôi đâu”. Nhưng nếu mình không viết thì làm sao có những kết nối mới, tôi đành để lại những nỗi sợ sang một bên và kể từ khi tôi bắt tay vào công việc tham vấn trị liệu tâm lý từ ba năm trước, tôi đã bắt đầu dám viết một cách chân thật hơn, duy chỉ một chút.

Tôi nhận ra một điều rằng khi mình viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình về những trải nghiệm mà mình đã trải qua, khách hàng của tôi dần hiểu ra nhiều vấn đề họ đang gặp phải hơn - à nhà trị liệu cũng từng có những khoảng thời gian khủng hoảng đến thế, à họ cũng từng bị trầm cảm cơ ấy, hóa ra cuộc sống sẽ luôn có hạnh phúc và khổ đau song hành… Và họ cảm thấy gần gũi hơn đối với tôi hay hiểu ra rằng “cuộc sống thì lúc nào mà chẳng có vấn đề cơ chứ”. Tôi hiểu rằng “chiến đấu với chính mình mới là cuộc chiến vĩ đại nhất”, và chính tôi - những người làm công tác trị liệu tinh thần cũng đang phải chiến đấu với chính mình mỗi ngày.

Những tiếng nói nội tâm mang đầy tính tiêu cực giờ được tôi chuyển hóa thành những con chữ, chúng được sắp xếp lại một cách trọn vẹn, có trật tự và đúng bản chất hơn so với việc cứ để chúng nhảy nhót trong đầu, tôi đối diện và trò chuyện với chúng bằng cách viết chúng ra, học cách làm bạn với chúng và chấp nhận chúng là một phần của cuộc sống thay vì xua đuổi chúng như trước đây.

Và đối với tôi những tiếng nói nội tâm cũng sẽ luôn có hai mặt như hai mặt của một đồng xu vậy. Chúng sẽ luôn tồn tại ở đó, dù tiếng nói ấy mang tính tích cực hay tiêu cực đi chăng nữa, chúng sẽ không bao giờ mất đi chừng nào loài người còn tồn tại trên Trái Đất này. Nếu mình chấp nhận sự tồn tại của chúng, học cách làm bạn với chúng, tôi nghĩ bản thân mình sẽ chung sống với chúng một cách hòa bình, kể cả những tiếng nói bên trong mang tính phá hủy hay tiêu cực cũng sẽ ngoan ngoãn ở yên vị trí mà chúng cần ở - vị trí mà chúng cho tôi biết bản thân mình còn thật nhiều điều chưa hiểu về mình, chưa hoàn hảo và cần phải rèn giũa mình hơn nữa để tôi có thể tự nhìn thấy mình tốt hơn mỗi ngày.

#day2 #owd #luyenvietmoingay #200chude

Subscribe for daily recipes. No spam, just food.