Sự vắng mặt trong một mối quan hệ

Tình cờ mình đọc được một đoạn viết về “sự vắng mặt” trong cuốn “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần, khiến mình bỗng liên tưởng đến lối thực hành sống Chánh Niệm mà sư Ông Làng Mai vẫn thường chia sẻ trong nhiều bài giảng hay nhiều tác phẩm của sư ông.

Cụ Nguyễn Duy Cần có viết trong tác phẩm Tôi tự học: “Sự có mặt của một sự vật nào mãi mãi bên ta sẽ gây thành thói quen. Thói quen sẽ làm nhụt cả cảm giác của ta đối với sự vật ấy. Ngày mà ta thấy thâm cảm được mối tình sâu nặng của cha mẹ ta chính là ngày mà hình bóng ấy đã vắng bặt trên cõi đời. Khi mà ta nếm được hương vị thần tiên của tình yêu thâm trầm ấy, chính là ngày mà ta cảm thấy đã quá muộn màng không còn phương gì để đền ơn đáp nghĩa nữa.”

Mình chợt nhớ không biết tự bao giờ, thỉnh thoảng mình hay tưởng tưởng việc “cha mẹ mình đột ngột qua đời hay một ngày nào đó cha mẹ không còn trên cõi đời này nữa”, thật là có vẻ ngốc nghếch khi mà lúc ấy mình vẫn còn là học sinh, cha mẹ cũng chỉ mới chưa đến bốn mươi tuổi đầu mà lại luôn tưởng tưởng đến điều ấy. Mình không biết bạn sẽ nghĩ thế nào nữa, bạn có cho rằng mình gàn dở, dị thường hay bị mắc chứng rối loạn lo âu hay không nữa? Nhưng suốt những năm tháng học sinh cho đến bây giờ, việc liên tưởng đến “sự vắng mặt vĩnh viễn” của cha mẹ khiến mình có động lực để học tập chăm chỉ hơn mỗi ngày mỗi khi mình lười biếng, để mình chịu đựng được những áp lực từ công việc và các mối quan hệ xã hội mỗi khi mình muốn bỏ buộc, để mình đứng dậy sau những lần chia tay với bạn trai và những tổn thương tâm lý từ mối quan hệ tình cảm ấy. “Nếu mà không còn cha mẹ trên đời thì mình sẽ sống sao? Mình cần làm gì để báo hiếu cha mẹ? Mình làm điều gì hay trở thành phiên bản ra sao để cha mẹ hạnh phúc?..” Mình thường tự hỏi mình vô số những câu hỏi trong trí tưởng tượng với chính mình như thế, rồi mình chợt nhận ra không còn có cha mẹ có lẽ là một điều đau đớn nhất với cương vị là một đứa con như mình. Mình chợt nhận ra mình chưa cố gắng đủ nhiều để mua cho cha mẹ những đồ ăn ngon hay những vật dụng cần thiết hơn, mình chợt nhận ra cha mẹ chỉ là nông dân không có lương hưu gì cả, vậy mình phải nỗ lực ra sao bây giờ? Tất cả những điều ấy đã là động lực giúp cho mình mua được một căn hộ chung cư nhỏ chỉ với số tiền dành dụm ban đầu khá ít ỏi là 200.000.000 vnd, với mục đích sau khi trả hết nợ trả góp của căn nhà, số tiền cho thuê được hàng tháng mình sẽ gửi bố mẹ để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và một phần về già không phải lo lắng việc không có lương hưu nữa. Nhờ liên tưởng đến “sự vắng mặt” ấy mình đã mua được nhà năm 29 tuổi và hiện tại căn nhà đã giúp mình có một tài sản tuy không lớn về giá trị nhưng cũng yên tâm hơn về việc tiền dưỡng già cho bố mẹ và tài sản để lại cho con giúp con có một hành trang vững chắc hơn khi bước vào đời.

Tác giả cũng chia sẻ thêm: “Sự vắng mặt giúp cho ta suy ngẫm nhiều, đồng thời nó cũng là món ăn tinh thần cho những tâm hồn đa cảm. Xa nhau thường là mối dây thiêng liêng ràng buộc tình cảm thêm bền chặt. Sự sống chung đụng hàng ngày dễ làm cho ta nhàm chán và xem thường. Cho nên một trong những phương pháp nuôi dưỡng tình yêu là thỉnh thoảng nên xa nhau để cho tình thương càng thêm nung nấu.”

Đọc đến đoạn này mình chợt nhớ hồi mới ra trường mình là giáo viên cấp ba tại một trường trung học phổ thông ở Hà Nội, có một chị tên H.Anh. Chị H.Anh là giáo viên tiếng Anh, có chồng là dân kinh doanh nên bận bịu tối ngày, khi thì họp hành khi thì nhậu nhẹt bàn giao công việc với đối tác, thường xuyên về muộn đến mức nhiều lần chị gọi điện cũng không nghe máy đành phải để cho con gọi nhằm đánh thức tình yêu thương và sự trách nhiệm với con cái mà anh chồng sẽ về sớm. Có những lần trường đi dã ngoại vài hôm, con ở nhà nên đương nhiên anh chồng sẽ phải chăm con rồi. Ở nhà một mình với mấy đứa trẻ, chăm sóc chúng, tắm giặt và cho chúng ăn, rồi còn dạy học cho chúng nữa. Anh mới cảm thấy “sự vắng mặt của vợ” có ý nghĩa đến chừng nào, anh liên tục gọi điện hỏi chị ăn cơm chưa, đi chơi có vui không, anh mong chị về lắm. Chị bảo “lâu lâu cũng nên đi đâu đó để người ta thấy sự có mặt của mình là vô cùng quan trọng”. Mình nghĩ cũng nhiều phần đúng, nhiều khi ở trong cái thói quen hàng ngày được vợ cơm bưng nước rót, con cái sạch sẽ thơm tho, học hành chăm ngoan lâu ngày, mấy anh chồng đôi khi tưởng rằng chỉ cần mang tiền về cho vợ là đủ mà quên đi những sự hy sinh và chăm sóc của vợ dành cho gia đình và chính mình. Có xa nhau, có thiếu vắng nhau, có đôi khi vắng mặt nhau, người ta mới cảm thấy trân quý những ngày tháng bên nhau đến nhường nào.

Subscribe for daily recipes. No spam, just food.